Cách bố trí thép sàn – 3 nguyên tắc và tiêu chuẩn kết cấu

Thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

0982 147 679

Giờ mở cửa: 8:00 - 12:00, 13:00 - 17:00
Cách bố trí thép sàn – 3 nguyên tắc và tiêu chuẩn kết cấu
Ngày đăng: 21/10/2023 12:34 AM

    Cách bố trí thép sàn đúng tiêu chuẩn dựa theo nguyên tắc làm việc của kết cấu là yếu tố quyết định đến khả năng chịu lực của sàn. Tấm sàn được đan thép đúng cách sẽ giúp sàn nhà không bị nứt, bị thấm. Đảm bảo cho sàn không bị rung, võng dẫn đến mất an toàn cho người sử dụng.

    cách bố trí thép sàn

    Cách bố trí thép sàn đúng nguyên tắc kết cấu và tiêu chuẩn kết cấu

    Bài viết này, Xây dựng Tài phát sẽ chia sẻ cho các bạn cách thi công thép sàn đúng tiêu chuẩn cho tất cả các loại bản sàn phổ biến trong xây dựng dân dụng như sàn 2 phương, sàn 1 phương, ô sàn bản kê 4 cạnh, sàn âm…sàn có thép mũ hoặc thép sàn 2 lớp cụ thể, chi tiết, dễ hiểu và tâm huyết nhất.

    Nội dung bài viết

    • Nguyên tắc bố trí thép sàn
    • Cách bố trí thép sàn
      • Bố trí thép sàn 2 phương
      • Bố trí thép sàn 1 phương
    • Khi nào thì bố trí thép sàn 1 lớp và 2 lớp
      • Thép sàn 1 lớp
      • Bố trí thép sàn 2 lớp
      • Cách bố trí thép mũ sàn 2 lớp
    • Cách bố trí thép sàn âm
    • Những lưu ý quan trọng khi thi công và nghiệm thu thép sàn
      • Khoảng cách đan thép sàn
      • Kê thép sàn
      • Nối thép sàn

    Nguyên tắc bố trí thép sàn

    Bố trí thép sàn đúng nguyên tắc sẽ làm tăng khả năng chịu lực của sàn. Cùng một tiết diện thép, cùng khoảng cách đan thép. Nhưng bố trí thép không tối ưu sẽ làm giảm khả năng làm việc của sàn. Vì vậy, để sàn làm việc tốt nhất chúng ta nên bố trí thép theo nguyên tắc sau:

    • Thanh thép sàn chịu lực chính được bố trí với chiều cao làm việc tối đa (tối đa h0). Chiều cao làm việc hcủa sàn là khoảng cách từ mép bê tông chịu nén đến trọng tâm của thanh thép chịu kéo.
    • Chiều dày lớp bê tông bảo vệ thép sàn tối ưu là 15mm và không nhỏ hơn tiết diện thanh thép (D thép).
    • Thép sàn phải được neo vào dầm đúng tiêu chuẩn: thép tròn trơn phải được uốn móc vào dầm, thép có vằn lớp trên đủ chiều dài neo 30D, thép có vằn lớp dưới neo 20D thép.
    Neo thép sàn vào dầm 

    Cách bố trí thép sàn

    Dựa vào hệ số l2/l1 (chiều dài/chiều rộng) người ta phân chia ô sàn làm 2 loại là: sàn làm việc 2 phương và bản sàn làm việc 1 phương. Cách bố trí thép cụ thể cho từng loại sàn như sau.

    nguyên lý bố trí thép sàn

    Bố trí thép sàn 2 phương

    Sàn làm việc 2 phương hay sàn kê 4 cạnh có hệ số l2/l1 ≤ 2, tức là chiều dài của ô sàn không lớn hơn 2 lần chiều rộng của ô sàn đó (ô sàn là diện tích sàn được đỡ bao quanh bởi các thanh dầm). Cách bố trí thép sàn 2 phương:

    • Thép sàn lớp dưới: thanh thép theo phương ngắn được đặt trước, thanh thép phương dài đặt lên trên và đan thành một vỉ bằng dây kẽm (gọi là 1 lớp thép sàn).
    • Thép sàn lớp trên: thép phương dài sẽ được rải trước, thanh thép theo phương ngắn được đặt lên trên và đan thành lớp thép trên.
    Cách đan thép sàn 2 phương 

    Bố trí thép sàn 1 phương

    Sàn làm việc 1 phương khi có hệ số l2/l1 > 2, thép cho sàn 1 phương đặt theo nguyên tắc sau:

    • Thép sàn lớp dưới sàn 1 phương: thanh thép ngắn sẽ được ưu tiên đặt trước, thép dài đặt sau và bố trí theo cấu tạo.
    • Thép sàn 1 phương lớp trên: Thanh thép dài đặt trước và thanh thép ngắn đặt trên.

    Lưu ý: cách đặt thép sàn mà chúng tôi hướng dẫn tuân theo trình tự thi công tại công trường.

    Khi nào thì bố trí thép sàn 1 lớp và 2 lớp

    Bản sàn có nhiều loại được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Mỗi loại bản sàn lại có phương án thiết kế thép theo đặc thù làm việc của chúng. Để trả lời câu hỏi nên đặt thép sàn 1 lớp hay 2 lớp thì chúng ta cần liên hệ đến cách làm việc của từng loại sàn. Cụ thể như sau.

    Thép sàn 1 lớp

    Thép sàn 1 lớp phù hợp với những loại sàn đơn giản kê 2 cạnh, những tấm sàn đơn lẻ đặt trên nền đất. Hoặc sàn có sơ đồ tính theo hệ công xôn (console). Lúc này sàn có đường nội lực theo một hướng nhất định. Vì vậy, chúng ta có thể bố trí thép 1 lớp cho nhưng loại bản sàn sau đây:

    • Sàn tấm đan đơn giản cho bể phốt, hố gas, nắp hầm chứa…trong nhà. Cần bố trí thép lớp dưới chịu momen dương.
    • Sàn ô văng, mái che trên đầu cửa kê 1 cạnh vào tường hoặc liên kêt ngàm với lanh tô. Lúc này ta nên đặt thép sàn lớp trên cho momen âm.

    Bố trí thép sàn 2 lớp

    Hầu như đa số các ô sàn trong khung kết cấu bê tông cốt thép toàn khối nhà dân dụng và công nghiệp hiện nay đều cần thiết kế thép 2 lớp cho sàn. Vì nội lực trong các ô sàn liên tục và phức tạp hơn, sàn có 2 lớp thép sẽ đảm bảo chịu lực cho cả momen âm và momen dương xuất hiện trong tấm sàn. Bố trí thép sàn 2 lớp thông thường có hai cách:

    • Bố trí 2 lớp thép chạy liên tục – Mỗi lớp thép được bố trí ưu tiên cho thanh thép chịu lực chính. Thanh thép theo phương ngắn đặt dưới cho lớp dưới và đặt lên trên cho lớp thép trên.
    • Bố trí thép lớp trên bằng thép mũ – Cách bố trí này sẽ tiết kiệm được khối lượng thép sàn lớp trên. Nhưng cần thi công với mức độ kỹ lưỡng cao hơn, vì lớp mũ này rất dễ bị bẹp xuống sàn.
    Cách bố trí thép sàn 2 lớp – Lớp thép mũ được coi là 1 lớp thép phía trên

    Cách bố trí thép mũ sàn 2 lớp

    Thép mũ của sàn chính là lớp thép sàn phía trên chịu lực cho momen âm tại gối. Khi sàn truyền lực vào dầm, tại các vị trí liên kết với dầm này sẽ xuất hiện ứng suất uốn bên trên mặt sàn. Tùy thuộc vào tải trọng và kích thước ô sàn sẽ có nội lực khác nhau. Khi đó tiết diện và khoảng cách thanh thép sẽ được kỹ sư thiết kế kết cấu lựa chọn để phân bố. Cách bố trí lớp thép mũ như sau:

    • Chiều dài thanh thép mũ: bằng ¼ cạnh ngắn ô sàn
    • Lớp thép mũ bao gồm: thanh thép cấu tạo nằm bên dưới để cố định thanh thép mũ, thép mũ chịu lực nằm bên trên và đủ chiều dài neo vào dầm.
    Cách bố trí lớp thép mũ đúng nguyên tắc

    Cách bố trí thép sàn âm

    Sàn âm cũng là ô sàn làm việc như những ô sàn thông thường khác. Mặt bê tông sàn bình thường bằng với mặt trên của dầm để tạo phẳng. Còn sàn âm mục đích là để lấy mặt phẳng phía dưới cùng với dầm nhằm đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ hoặc có mục đích sử dụng cho hệ thống cấp thoát nước. Ví dụ như sàn âm ban công, logia, sàn vệ sinh, rãnh thu nước mái…v.v.

    Vì vậy, tùy theo sàn làm việc 1 phương hay 2 phương chúng ta có thể bố trí thép theo các nguyên tắc bên trên.

    Những lưu ý quan trọng khi thi công và nghiệm thu thép sàn

    Chiều dày của sàn nhà dân dụng thông thường chỉ từ 10cm – 15cm. Chỉ cần cách bố trí thép sàn chênh lệch nhau 1cm cũng làm giảm rất nhiều khả năng chịu lực của sàn. Vì vậy, phương pháp làm việc tốt nhất giữa chủ đầu tư hoặc giám sát xây dựng với đơn vị thi công là cần phải trao đổi trước các cách thực hiện trong quá trình thi công xây dựng. Không riêng gì các nguyên tắc thi công thép sàn mà cần thực hiện thêm các vấn đề sau đây để tầng sàn đạt chất lượng tốt nhất.

    Khoảng cách đan thép sàn

    Thép sàn cần được đan với khoảng cách đều nhau theo thiết kế. Thanh thép cần được nắn thẳng, không cong vẹo, uốn lượn. Thép sàn có thể buộc với 50% mối nối nhưng cần đảm bảo không bị xô lệch trong quá trình đổ bê tông.

    Kê thép sàn

    Thép sàn phải được kê cách khỏi mặt sàn bằng với chiều dày lớp bê tông bảo vệ. Thép lớp trên hoặc lớp thép mũ không được đặt ở giữa chiều dày sàn hoặc bị bẹp xuống ván khuôn.

    Kê thép sàn bằng con kê bằng chiều dày lớp bê tông bảo vệ sàn

    Nối thép sàn

    Nếu thép sàn phải nối, phải tuân theo tiêu chuẩn nối thép:

    • Không nối tại vị trí chịu lực lớn và chỗ uốn cong. Thép lớp dưới không nên nối giữa nhịp ô sàn, thép lớp trên không nên nối tại gối.
    • Không nối quá 50% diện tích cốt thép trên một mặt cắt (phải được nối so le)

    Lời kết

    Chúng ta cần phải tuân thủ hoàn toàn theo các chỉ dẫn của thiết kế cho tất cả các cấu kiện. Không riêng gì cách thức thi công thép cho sàn mà còn nhiều các hạng mục khác để cấu thành ngôi nhà hoàn chỉnh. Không nên tự ý thiết kế, thi công và nghe theo kinh nghiệm của người thợ hoặc nhà thầu không qua trường lớp đào tạo. Vì mọi cấu kiện đều có nguyên tắc làm việc riêng của chúng. Để đạt được chất lượng công trình tối đa và tiết kiệm vật tư cần có cơ sở tính toán và thi công khoa học.

    Hi vọng bài viết này các bạn có thể hiểu thêm cách bố trí thép sàn cho công trình của mình. Nếu thấy nội dung bài viết hữu ích và tin tưởng Xây dựng Tài Phát. Anh chị và các bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline/Zalo: 0982.147.679 để được tư vấn, thiết kế và thi công xây dựng ngôi nhà mơ ước cho gia đình mình.

    Những dịch vụ thiết kế thi công nhà tại Xây dựng Tài Phát:

    XÂY NHÀ TRỌN GÓI

    XÂY NHÀ PHẦN THÔ

    TƯ VẤN THIẾT KẾ

    SỬA CHỮA, NÂNG CẤP

    Liên hệ ngay để nhận thêm những ưu đãi từ xây dựng Tài Phát.

    CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG TÀI PHÁT  – Xây dựng bằng cái tâm & cái tầm

     
    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline